Thứ Ba, 6 tháng 5, 2014

Phóng sự về một ca phẫu thuật đặc biệt tại BV STO Phương Đông

Phóng sự về một ca phẫu thuật đặc biệt của TS.BS Hoàng Văn Thiệp - khoa ngoại tổng quát Bệnh viện STO Phương Đông đã được VTV9 phát trong chuyên mục Tin Tức 18:30h ngày 13/4/2014.

Tư nhân giúp giảm tải bệnh viện?

Tư nhân giúp giảm tải bệnh viện?
(TBKTSG Online) - Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định, tăng số giường bệnh là giải pháp tiên quyết để thực hiện đề án giảm tải bệnh viện và việc tham gia của bệnh viện tư nhân là giải pháp hiệu quả cho vấn đề này.
Bà Tiến đưa ra ý kiến trên tại Hội nghị tăng cường phối hợp giữa bệnh viện nhà nước và bệnh viện tư nhân thực hiện đề án giảm tải bệnh viện khu vực phía nam ngày 10-3
Hơn 50% bệnh viện tư dưới tải
Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết đa số bệnh viện tư có cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật tốt, chuyên môn cao, y bác sĩ tận tâm, mô hình quản lý hiện đại… nhưng tất cả đều hoạt động dưới công suất.
Có tới 56,9% bệnh viện tư nhân có công suất sử dụng giường bệnh dưới 60%, gần 22% còn lại có công suất chỉ đạt từ 60 - 85%, bà Tiến cho biết.
Ngược lại, các tỷ lệ này tại các bệnh viện công ở TPHCM đều khá cao. Ví dụ, công suất sử dụng giường bệnh so với kế hoạch của Bệnh viện Chợ Rẫy năm 2013 là 135,1%, khoa có công suất cao nhất lên tới 171%. Tại bệnh viện Ung Bướu TPHCM, tình trạng quá tải xảy ra nghiêm trọng ở các khoa nội. Công suất sử dụng giường bệnh là 350%, tương đương 560 bệnh nhân/160 giường nội trú. Tình trạng 4 - 5 bệnh nhân nằm chung một giường thường xuyên xảy ra.
Để dọn đường cho sự hợp tác công tư để giảm tải bệnh viện, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, sắp tới việc chuyển bệnh giữa các tuyến sẽ theo hướng đa chiều, không bó buộc chỉ tuyến dưới chuyển lên tuyến trên nữa, mà có thể từ trên xuống dưới, từ bệnh viện tư sang bệnh viện công hoặc ngược lại.
Nhiều hình thức hợp tác được bà Tiến đưa ra như bệnh viện tư làm "vệ tinh" cho bệnh viện công (chuyển giao thương hiệu từ bệnh viện công); áp dụng đề án 1816 luân phiên nhân sự chuyên môn từ bệnh viện công về hỗ trợ các khoa, bệnh viện tư; liên kết sử dụng mặt bằng; liên doanh đặt máy, trang thiết bị y tế tư tại cơ sở công…
Lại vướng ở phân chia lợi ích
Tuy nhiên, ngoài vướng mắc pháp lý liên quan đến Luật khám chữa bệnh và Luật viên chức, khó khăn chủ yếu của việc hợp tác y tế công tư là làm sao điều chỉnh hợp lý mức giá viện phí và dịch vụ kỹ thuật giữa một bên khá thấp (công) và một bên khá cao (tư).
Theo ông Nguyễn Nam Liên, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ Y tế, do bệnh viện công đang phải phục vụ rất nhiều đối tượng người bệnh nên muốn hợp tác, bệnh viện tư phải xây dựng cơ chế nhiều mức giá khác nhau phù hợp với từng đối tượng.
Tuy nhiên, nhiều lần tại hội nghị, bà Tiến lại cho rằng, khó khăn lớn nhất nằm ở chỗ bệnh viện công đang quá tải có muốn chia bớt số lượng bệnh cho nơi khác hay không. Theo bà, vì phải tự chủ tài chính, nên cho dù đã quá tải, bệnh viện công vẫn muốn nhận càng nhiều bệnh nhân càng tốt để cân đối thu chi. Do đó, bà Tiến nhấn mạnh vấn đề lớn nhất giữa công và tư là phân chia lợi ích thế nào cho hợp lý.
Bộ trưởng cho biết Bộ Y tế sẽ lập đề án hợp tác công tư theo nguyên tắc đặt lợi ích của người bệnh lên hàng đầu.
Góp ý tại hội nghị, đại diện một phòng khám tư nhân ở TPHCM cho biết cơ sở y tế tư nhân nào ra đời cũng đã có kế hoạch, chiến lược xây dựng thương hiệu rồi. "Chúng tôi không cần vay mượn của ai cả, điều quan trọng là hãy cho phép bệnh viện, phòng khám tư được tự do làm bất cứ những gì mà mình có thể đầu tư”, vị đại diện này nói.
Theo ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, hiện toàn quốc có 1.200 bệnh viện, trong đó có 170 bệnh viện tư nhân, chỉ chiếm 11%. Còn lại là các bệnh viện tuyến trung ương chiếm 3%, bệnh viện tỉnh 27%, bệnh viện quận huyện 56% và bệnh viện thuộc bộ ngành 2%.
Tỉ lệ % theo loại hình bệnh viện.(Nguồn: Báo cáo hoạt động khám chữa bệnh năm 2013 của Cục Quản lý khám chữa bệnh)
Trong vòng 10 năm, số bệnh viện tăng gần 1,5 lần và số giường bệnh tăng gần 2 lần, từ 126.893 năm 2004 lên 215.000 giường bệnh năm 2013. Tỉ lệ giường bệnh của bệnh viện tư chiếm 4,2%.
Thống kê năm 2013 cho thấy, cả nước có gần 114,5 triệu lượt khám ngoại trú, gần 11,2 triệu lượt nội trú, gần 2,4 triệu ca phẫu thuật. Trong đó, tỉ lệ khám chữa bệnh của bệnh viện tư rất thấp, chiếm 6,7% điều trị ngoại trú, 5,7% nội trú và 10,7% phẫu thuật. Bệnh viện tư phục vụ chưa tới 4% trên tổng số hơn 73,4 triệu lượt khám bảo hiểm y tế (BHYT) ngoại trú và hơn 7,8 triệu lượt nội trú.
Quốc Ngọc (TBKTSG online)
Thứ Ba,  11/3/2014, 09:32 (GMT+7)